Trang chủ >> Thường thức >> Xông mũi cho con nên biết điều này trước khi vô tình làm hại con

Khi trẻ bị sổ mũi, tắc mũi, nhiều bố mẹ có thói quen mua các loại máy xông về tự “thông” mũi cho con. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Không tùy tiện xông mũi cho trẻ tại nhà

ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng, khoa Tai Mũi Họng Trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết: Xông mũi (khí dung) là quá trình biến thuốc từ dạng chất lỏng thành dạng sương mù để tác dụng trực tiếp lên niêm mạc đường hô hấp.

Đây là phương pháp được sử dụng trong những trường hợp trẻ em không hợp tác theo đường uống hoặc đường tiêm để điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ngoài ra, để tránh tác dụng phụ của một số thuốc điều trị toàn thân, có thể sử dụng khí dung để điều trị tại chỗ. Do đó, với những bệnh cần thiết phải sử dụng khí dung, các bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng khí dung.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay có rất nhiều bố mẹ hễ thấy con bị sổ mũi, tắc mũi là có thói quen xông mũi cho con ngay để giúp con "dễ thở". Điều này chỉ có tác dụng tức thời ngay lúc đó. Còn về lâu dài, nếu cứ lạm dụng việc khí dung, sẽ khiến trẻ bị phụ thuộc vào máy móc. Tức là, cứ ngạt mũi, sổ mũi là phải xông ngay, không xông sẽ không khỏi.

Không lạm dụng xông mũi tại nhà cho trẻ để tránh gây hại.

Trường hợp của bé An, con chị Quỳnh Tâm (ở Thanh Trì, Hà Nội) là một ví dụ. Cũng chính bởi thấy con dễ chịu hơn, giảm triệu chứng sụt sịt sau mỗi lần được xông mũi nên chị Tâm coi việc khí dung cho con là "cứu tinh" trong việc trị chứng mũi dãi vặt của con.

Thế nhưng, bà mẹ trẻ này không ngờ, việc làm tưởng chừng như có lợi, giúp con thoát nghẹt mũi lại vô tình hại con. Trong một lần bé An bị viêm mũi nặng, dùng khí dung tại nhà cũng không khỏi, vợ chồng chị mới đưa con đi khám.

Tại đây, các bác sĩ cho biết, niêm mạc mũi của bé bị tổn thương khá nặng, đồng nghĩa với việc, bé có thể rất hay gặp các vấn đề về hô hấp, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Điều này xuất phát từ sự lạm dụng việc xông mũi quá nhiều cho trẻ tại nhà.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), dùng máy khí dung tại nhà cho trẻ có thể xảy ra những điều đáng tiếc. Đã có một số trường hợp bệnh của trẻ không những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng, đến mức trẻ không chịu được đã phải nhập viện vì lên cơn khó thở, toàn thân tím tái sau khi khí dung tại nhà.

Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ thường bỏ qua những vấn đề như thuốc để xông cho trẻ có thực sự phù hợp với thể trạng bệnh của trẻ hay không; liều lượng và thời gian dùng như thế nào cho hợp lý... đã tự ý cho con dùng thuốc. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều trẻ nhập viện điều trị trong tình trạng bệnh đã nặng lên hoặc có nhiều biến chứng, gây khó khăn trong việc điều trị dứt điểm bệnh cho trẻ.

Trong trường hợp có ý định xông mũi cho con, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:

- Đối với các loại máy xông bán trên thị trường, bố mẹ nên lựa chọn sản phẩm của các nhãn hàng uy tín, đảm bảo chất lượng; không mua các loại máy phát ra tiếng ồn, dễ làm trẻ sợ.

- Các loại thuốc xông mũi cũng rất phức tạp. Ngoài những loại được cấp phép còn có khá nhiều loại trôi nổi, thậm chí không được phép sử dụng. Do đó, tốt nhất nên mua ở bệnh viện, cơ sở uy tín để tránh dùng phải thuốc kém chất lượng cho con.

- Trước khi tiến hành xông mũi cho con, bố mẹ nên vệ sinh máy xông sạch sẽ. Bởi lẽ, nếu máy bẩn, vô tình sẽ để các bụi bẩn, vi khuẩn nấm mốc có cơ hội theo đường xông vào cơ thể trẻ gây nên các tác hại khôn lường.

- Khi tiến hành xông, bố mẹ nên nhỏ thuốc vào mũi cho con trước để mũi thông thoáng, tạo điều kiện cho hơi thuốc vào được sâu bên trong, đem lại hiệu quả hơn.

- Thời gian của mỗi lần khí dung cho trẻ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và liều lượng thuốc sử dụng trong quá trình khí dung. Không nên xông cho trẻ quá nhanh vì như thế thuốc sẽ chưa kịp ngấm, không đem lại hiệu quả mong muốn.

- Thời gian xông tối đa từ 10-15p mỗi lần. Nếu xông mũi lâu vừa không đem lại hiệu quả vừa khiến niêm mạc mũi của trẻ có nguy cơ bị tổn thương.

- Nên hạn chế xông các loại tinh dầu vào mũi cho trẻ vì tinh dầu là những chất không tan trong nước. Khi theo hơi nóng của nước xông lên mũi, sẽ có cảm giác dễ chịu và thông mũi tức thì. Tuy nhiên, do tính khó tan, lớp tinh dầu sẽ bám vào niêm mạc mũi của trẻ, có nguy cơ gây tổn thương bộ phận này vì chúng khá mỏng và nhạy cảm.

- Đặc biệt, với trẻ nhỏ từ 1-2 tháng tuổi, bố mẹ không nên sử dụng các máy khí dung mũi.

Để phòng ngừa các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ, nhất là sổ mũi, viêm mũi, viêm xoang, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trong thực đơn hàng ngày để tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật cho trẻ. Bên cạnh đó, giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, tránh việc trẻ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến đến đường hô hấp. Ngoài ra, nên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý cho trẻ hàng ngày; đeo khẩu trang khi cho trẻ ra bên ngoài, hạn chế để trẻ tiếp xúc với những nơi có khói, bụi, ô nhiễm...

Nguồn: http://giadinh.net.vn

 

 

 

 

 

 

Chuyên khoa mũi nhọn

MỔ PHACO

MỔ NỘI SOI

XÉT NGHIỆM

HỆ THỐNG OXI

HỒI SỨC CẤP CỨU

CHỤP CẮT LỚP
Hotline
 
Cấp cứu - 0965.391.414

Tin Mới
Thư viện ảnh

Thống kê truy cập
00017
Hôm nay: 0324
Hôm qua: 0443
Trong tuần: 3383
Trong tháng: 3096
Tất cả: 412297
 
 
 
 
 
Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên
 
 
Địa chỉ: TK Bệnh viện, TTNT Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La
 
 
Điện thoại:        02123.866.046                                  Fax: 0223.769.249
Email:benhvientnmc@gmail.com        Đường dây nóng:    0964.601.313