PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia cho biết, hiện nay hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam đã được nâng cấp hiện đại ngang tầm thế giới, cho phép phát hiện cả chất lạ, định danh chính xác vi sinh vật ô nhiễm trong thực phẩm.
Tại Hội nghị khoa học kiểm nghiệm thực phẩm 2018 diễn ra trong hai ngày 4 - 5/10 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay các ngân hàng về chất thử Việt Nam đã tiếp cận với thế giới. Ngoài chuyện cơ quan nhà nước đáp ứng được yêu cầu kiểm nghiệm thì có những phòng kiểm nghiệm tư nhân cũng rất hiện đại, nếu có những chất nào đó nằm ngoài ngân hàng chất chuẩn của kiểm nghiệm nhà nước thì chúng ta nếu cần yêu cầu có thể gửi sang phòng kiểm nghiệm tư nhân, thậm chí mình có liên kết với phòng kiểm nghiệm quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, các ngân hàng về chất thử tại Việt Nam đã tiếp cận với thế giới. Ảnh: H.Hải
Ông Phong cho biết, tại Hội nghị này sẽ là cơ hội để các nước giới thiệu, trao đổi các phương pháp kiểm nghiệm, phân tích. Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta thống nhất và đưa ra phương pháp thử. Bởi, cùng một sản phẩm nhưng phương pháp thử khác nhau sẽ cho ra kết quả kiểm nghiệm khác nhau.
"Chúng ta biết vấn đề kiểm nghiệm ATTP là rất quan trọng, giúp cho các cơ quan quản lý, từ kết quả kiểm nghiệm có thể đưa ra phương pháp xử lý, đặc biệt trong lĩnh vực ATTP là quan trọng. Kết quả chính xác, khách quan cho phép xử lý đúng", ông Phong nói.
Tại Việt Nam hiện đã chỉ định 15 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu. Trong số 63 cơ quan kiểm nghiệm của cả nước thì chúng ta đã công nhận 55 đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO 17025 về thực hiện, thực hành phòng kiểm nghiệm tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chỉ định được các cơ sở cả nhà nước và tư nhân đáp ứng được phòng kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm cho biết, các mẫu xét nghiệm ngày càng có xu hướng tăng cao do đẩy mạnh công tác hậu kiểm, đảm bảo an toàn thực phẩm.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia. Ảnh: H.Hải
Trong năm 2017, Viện đã thực hiện kiểm nghiệm hơn 40 nghìn mẫu các loại và thường số mẫu kiểm nghiệm năm sau sẽ cao gấp đôi năm trước, dự kiến năm 2018 sẽ thực hiện khoảng 80 nghìn mẫu kiểm nghiệm.
Đặc biệt hiện nay, hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam đã được đầu tư hiện đại, với các thiết bị tại Viện ngang tầm quốc tế. "Điều này cho phép phát hiện cả các chất chưa biết, hoặc định danh chính xác nguyên nhân các vụ ngộ độc, thiết bị để định danh chính xác vi sinh vật ô nhiễm trong thực phẩm qua đó giúp ngăn ngừa tốt hơn các nguy cơ gây ra ngộ độc, mà trước đây để muốn biết chính xác buộc phải gửi mẫu ra nước ngoài", bà Hảo chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, trong tình hình mới về quản lý an toàn thực phẩm (giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm) cũng như với sự phát triển của khoa học kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trên thế giới ngày càng tiến bộ, hội nghị sẽ là dịp để ngành kiểm nghiệm thực phẩm Việt Nam bắt nhịp cùng với khoa học kiểm nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới.
Trên thực tế, hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm. Hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam trong những năm qua đã được chú trọng đầu tư từ tuyến Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, những trang thiết bị hiện đại, chính xác vẫn chủ yếu tập trung tại tuyến Trung ương.
Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương bằng các hình thức: cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm nghiệm.
Trong khuôn khổ hội nghị, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã ban hành cuốn sách “phương pháp kiểm nghiệm chất lượng và an toàn thực phẩm” nhằm từng bước hướng tới thống nhất các phòng kiểm nghiệm và phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm trên toàn quốc. Nội dung cuốn sách với gần 100 phương pháp, hướng đến các chỉ tiêu quan trọng của nhóm sản phẩm dinh dưỡng.
Theo Dân trí